Để một doanh nghiệp phát triển, người đứng đầu không thể không có các chiến lược phù hợp để dẫn dắt công ty, nguyên tắc “vàng” là một trong số đó.
Ở bài viết trước, tôi đã giới thiệu cho các bạn 3 nguyên tắc kinh doanh của mọi công ty, đó là những nguyên tắc luôn đúng, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Những công ty, tập đoàn càng lớn và càng phát triển mạnh là do công ty đó áp dụng và phát triển 3 nguyên tắc này càng mạnh mẽ, độ phủ càng rộng. Vì vậy không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của những bí quyết về chiến lược trong kinh doanh.
> Tham khảo: Nguyên tắc kinh doanh của những “ông trùm” tập đoàn lớn
Sau bài viết, tôi nhận được nhiều yêu cầu của các bạn trẻ muốn tìm hiểu kĩ hơn về các nguyên tắc này cũng như cách áp dụng chúng. Tôi hiểu hơn ai hết rằng biết nguyên tắc không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ thành công, biết nguyên tắc bạn chỉ mới thành công một nửa, một nửa còn lại là làm sao để thực hiện chúng hiệu quả. Làm sao để biến những suy nghĩ của bạn thành một kế hoạch khả thi và làm cho kế hoạch ấy thành công ở kết quả thực tế, đó là một điều rất khó khăn khi bạn thực sự bắt tay vào làm nó. Bởi vậy, tôi quyết định viết thêm bài viết này để đào sâu vào một trong ba nguyên tắc ấy, giúp các bạn hiểu rõ hơn và mở rộng nó để các bạn có cái nhìn bao quát hơn. Đó là nguyên tắc đầu tiên, quy mô!
Như ở bài trước tôi đã nói, quy mô tức là các bạn mở rộng thương hiệu của công ty mình để càng nhiều người biết đến càng tốt, càng nhiều người nhớ tên, nhớ logo, nhớ màu đặc trưng hay tất cả mọi thứ kể cả rất nhỏ có liên quan đến công ty bạn thì bạn càng nhanh thắng. Điều này đúng nhưng không có nghĩa là các bạn dốc sạch mọi nguồn vốn, dốc hết những gì các bạn có chỉ để treo banner và lập chi nhánh ngay từ đầu như nhiều bạn trẻ nhắn tin hỏi tôi. Đó là tìm đường “chết” chứ không phải xây dựng chiến lược kinh doanh. Áp dụng nguyên tắc quy mô là bạn phải xác định được đâu là chính, đâu là phụ, bạn vẫn phải chăm chút cho trụ sở chính của mình đầu tiên. Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, hãy để ý tới chất lượng dịch vụ trước, sau đó “làm đẹp” từ ngoài vào trong cho cơ sở chính của mình, đây là yếu tố ăn điểm của rất nhiều tình huống phát sinh sau này. Khi công ty đã sinh được một số khoản lãi nhất định, đây là lúc bạn dồn vào việc xây dựng các cơ sở cũng như độ phủ sóng cho thương hiệu của công ty mình.
Quy mô không chỉ là độ phủ mạnh mẽ của cái tên, nó còn được áp dụng hiệu quả thông qua phủ sóng nhiều mặt hàng. Một điển hình tiêu biểu cho ví dụ này là Vingroup. Nhắc đến tập đoàn này, người ta không biết phải nhớ đến mặt hàng nào đầu tiên nhưng nhắc đến siêu thị, bất động sản, trường học, bệnh viện,…không gì là không có bóng dáng của ba chữ cái “V-I-N”. Nếu như ngày trước xu hướng là kinh doanh một lĩnh vực chuyên sâu thì bây giờ xu hướng là xây dựng hệ sinh thái. Như vậy thương hiệu của công ty bạn không chỉ được biết đến ở một lĩnh vực mà được nhân gấp nhiều lần tỉ lệ với số mặt hàng công ty bạn cung cấp, không chỉ những người trong lĩnh vực đó biết mà lan rộng ra cả xã hội, kể cả những khách hàng không có nhu cầu với bất kì sản phẩm nào công ty bạn đang cung cấp cũng biết đến tên thương hiệu. “Một chiến lược, trăm lợi ích” là câu khái quát phù hợp để nói về chiến lược này.
Như ở bên trên tôi nói, cái đầu tiên bạn phải chăm chút khi bắt đầu khởi nghiệp chính là dịch vụ mà công ty bạn cung cấp. Dịch vụ tốt, chu đáo khiến khách hàng hài lòng sẽ ghi điểm tuyệt đối, mở ra nhiều cơ hội cho công ty bạn được quảng cáo mà không mất đồng xu nào. Chúng ta thường nhìn nhận khách hàng chỉ là khách hàng, là người chúng ta cần cung cấp dịch vụ mà quên rằng khách hàng còn là đơn vị quảng cáo hiệu quả nhất cho công ty. Bạn thường sẽ tin những lời quảng cáo giới thiệu dịch vụ trên mạng hay tin những lời giới thiệu, cảm nhận sau khi sử dụng dịch vụ của bạn mình? Lựa chọn của bạn cũng chính là lựa chọn của khách hàng, và đây cũng là cách phát triển quy mô hiệu quả, không cần vốn mà bạn có thể áp dụng ngay khi bắt đầu khởi nghiệp.