Khởi nghiệp là quá trình dài đầy rủi ro và cần một quyết tâm rất lớn để thành công. Chính vì vậy những bước chuẩn bị kĩ càng trước khi bạn khởi nghiệp là điều không thể thiếu.
Nếu bạn đam mê kinh doanh, am hiểu tình hình kinh tế chung và muốn có một sự nghiệp của riêng mình, tham vọng của bạn là một ngày được vinh danh trong danh sách những doanh nhân Việt, thậm chí là top người giàu của thế giới thì đã đến lúc bạn cần nghiêm túc nghĩ về điều này và lên kế hoạch chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp của mình. Tôi rất hào hứng và mong muốn được hợp tác cùng những bạn trẻ khởi nghiệp, những người đầy hoài bão, nhiệt huyết và sáng tạo. Bởi vậy, bài viết này tôi dành cho các bạn – những người trẻ dám mạo hiểm, dám nhận thách thức và dám chạy theo đam mê.
Tiếp nối bài viết trước, “khởi nghiệp thì cần gì?” để bạn nắm được những điều cần thiết khi bạn định khởi nghiệp, và ở bài viết này, tôi sẽ chỉ cho bạn các bước để chuẩn bị đầy đủ trước khi bạn nhập cuộc với đường đua khởi nghiệp.
1. Làm song song hai việc
Khi bạn xác định bản thân đam mê và muốn khởi nghiệp, bạn không nên ngay lập tức bỏ việc và đi khởi nghiệp luôn, điều đó sẽ làm bạn có khả năng thất bại rất cao bởi bất kể một điều gì muốn thành công lâu dài và bền vững đều cần một sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Bạn nên dành cho quá trình chuẩn bị này ít nhất một năm trước khi chính thức chỉ tập trung xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Trong suốt thời gian chuẩn bị này, bạn nên tiếp tục duy trì công việc ở công ty đang làm vào ban ngày và tự mày mò mọi thứ của riêng bạn vào buổi tối.
Việc duy trì công việc bình thường trên công ty không chỉ đảm bảo cho bạn nguồn sống bởi khi đó bạn không hề có thu nhập nào khác và đó là thu nhập chính của bạn, mà nó còn cho bạn những kinh nghiệm nhất định về kinh doanh, về lĩnh vực bạn định làm, những kinh nghiệm từ những người đã khởi nghiệp thành công là nguồn kiến thức quý giá cho bất kì ai muốn khởi nghiệp. Thêm vào đó, buổi tối bạn có thể mày mò để học hỏi thêm kiến thức chuyên môn, kiến thức mềm cần thiết cho khởi nghiệp, tìm nguồn vốn, tìm khách hàng và đường ra của sản phẩm. Bạn có thể tự học hoặc tìm những khóa học để bổ sung kiến thức và kĩ năng còn thiếu.
2. Kế hoạch cho tài chính
Nói đến khởi nghiệp không thể thiếu nguồn vốn, nếu bạn nghĩ rằng khởi nghiệp bao nhiêu vốn cũng là không đủ nên cứ vay đi thì đó là suy nghĩ sai lầm. Bạn chắc chắn phải vay nhưng là để phục vụ cho khởi nghiệp, để phát triển công việc ấy chứ không phải vay để duy trì cho cả cuộc sống hằng ngày của bạn. Cho dù bạn là ai và bạn làm gì thì tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt,… cũng sẽ không bỏ qua bạn đâu, và kể cả nguồn vốn cho kinh doanh, nếu bạn có thể bớt vay đi chút nào cũng là một điều rất tốt.
Bạn nên xác định xem mỗi tháng bạn cần tối thiểu bao nhiêu để duy trì được cuộc sống bình thường, sau đó tiết kiệm tiền đủ để duy trì cuộc sống bình thường trong vòng một năm sau khi bạn nghỉ việc ở công ty. Điều này đảm bảo cho bạn một cuộc sống không quá tệ khi chính thức bước chân ra khởi nghiệp.
3. Xây dựng thương hiệu cá nhân
Cũng trong một năm ấy, bạn cần phải xây dựng dần thương hiệu cá nhân để mọi người biết bạn là ai và tại sao khoảng một năm nữa bạn ra sản phẩm thì khách hàng nên mua của bạn. Bạn nên tìm hiểu kĩ tính năng sản phẩm của mình, cách tiếp cận khách hàng tiềm năng và xây dựng dần thương hiệu, tạo độ tin cậy cho tên tuổi của riêng bạn.
>>> Đọc thêm: Xu hướng quản trị doanh nghiệp thời đại 5.0
4. Chuẩn bị tinh thần khi bắt đầu
Khi mới bắt đầu nghỉ việc và chạy trên chính đường đua khởi nghiệp của riêng mình, bạn cần xác định tinh thần trước rằng thu nhập của bạn sẽ xuống dốc không phanh hoặc thậm chí là không có một đồng xu thu nhập nào, hơn nữa là còn bị lỗ. Một lời khuyên là bạn nên kiên trì và nhiệt huyết hết lòng với nghề, rồi nghề sẽ yêu lại bạn. Bạn có thể sản xuất sản phẩm và tặng miễn phí cho những khách hàng tiềm năng, những người có ảnh hưởng hay người nổi tiếng để họ dùng thử, và khi dùng sản phẩm tốt, họ sẽ mua của bạn cũng như giới thiệu thêm cho những người khác.
5. Làm chứ không phải viết hay nghĩ
Một sai lầm các bạn hay mắc phải là chỉ viết và tưởng tượng chứ không hề bắt tay vào biến kế hoạch trên giấy thành hiện thực. Hoặc nhiều bạn viết ra và cứ sửa mãi để nó hoàn hảo hơn nên không thể hoàn thành nó được. Bạn cần phải hiểu là một kế hoạch có hoàn hảo đến mấy mà chưa bắt đầu tức là bạn chưa tiến được bước nào cả, còn một kế hoạch không quá tốt nhưng vẫn được tiến hành thì vẫn là bước được thêm một bước. Tất cả những kinh nghiệm bạn rút ra được hay những gì bạn mới học thêm được, hãy để cho những kế hoạch sau, hãy tập trung và hoàn thành đúng deadline mà bạn đặt ra.
Quy luật chuẩn bị trong 5 bước này không chỉ áp dụng cho khởi nghiệp mà còn có thể áp dụng cho tất cả các loại ngành nghề khác khi bạn muốn bắt đầu một công việc của riêng mình.