Nói đến sự thành công của một startup thì không thể không nhắc tới nguồn lực gọi là nhà đầu tư. Bởi lẽ, không có một startup nào đủ tự tin về kiến thức thương trường cũng như là nguồn tài chính. Tuy nhiên, đã có rất nhiều startup bị các nhà đầu tư từ chối. Nguyên nhân nằm ở 4 lí do sau mà bạn không biết.
1. Thiếu kiến thức
Kiến thức là vô tận, nhưng đã muốn tiếp cận nhà đầu tư, thì bạn cần nên biết mình phải chuẩn bị những kiến thức nào. Nếu bạn tự tin rằng sản phẩm của mình tốt hơn của người khác, nhưng bạn lại không thể trình bày nó tối ưu hơn ở chỗ nào, chưa hiểu rõ về sản phẩm của mình, đặc biệt chưa nhận thức được lý thuyết sẽ rất khác với thực tế, bạn sẽ không thể thuyết phục được các nhà đầu tư. Hãy luôn nhớ rằng, người bạn muốn tiếp cận là người có kinh nghiệm lâu năm, đừng diễn đạt hay giải thích những điều vô nghĩa và đừng phóng đại quá nhiều về sản phẩm của mình.
Như Shark Louis Nguyễn đã nói:”Khởi nghiệp cần nhất là sự chân thành.” Vậy nên khi tiếp cận nhà đầu tư, hãy trình bày rõ ràng những khó khăn đang gặp phải và những rủi ro có thể xảy ra đối với sản phẩm của mình, bớt viển vông và hãy nhìn vào thực tế hơn.
2. Dự án không khả thi
Một dự án gọi là khả thi nếu như đáp ứng được lợi nhuận và lợi ích đem lại cho người sử dụng. Bên cạnh đó, dự án đó phải đáp ứng được khả năng quay vòng vốn, NPV, BCR, IRR,…
Bạn nên nhớ rằng các nhà đầu tư là những người kinh doanh lão luyện đã có rất nhiều kinh nghiệm trên thương trường, và việc tìm ra lỗ hổng của một dự án là hết sức bình thường.
Trước khi làm một dự án nào đó, bạn nên tìm hiểu các quy định pháp lý có liên quan đến dự án, nghiên cứu thị trường (kết hợp dùng mô hình SWOT, 5-force,…), từ đó vạch ra chiến lược kinh doanh. Và quan trọng nhất là nên chia sẻ với mọi người xung quanh vì nhận xét của mọi người sẽ đánh giá được mức độ thành công của dự án là bao nhiêu phần trăm.
3. Không có đội nhóm
Hầu như tất cả các nhà đầu tư đều quan tâm đến nhóm của các startup. Vì yếu tố quan trọng nhất mà các nhà đầu tư đánh giá tiềm năng của một startup, đó chính là nhóm khởi nghiệp (core founder team).
Bởi lẽ, một dự án rất khó có thể thành công nếu chỉ dựa vào sức lực của một người, bạn không thể làm được tất cả mọi việc nếu chỉ có một mình. Nhà đầu tư sẽ xem cách bạn làm việc nhóm cũng như là phối hợp với các thành viên trong nhóm như thế nào. Việc hành động đơn lẻ, nó nói lên được rằng người có cùng mục tiêu với bạn không tồn tại. Nếu như không một người bạn nào dám đồng hành cùng bạn, liệu các nhà đầu tư có dám đồng hành cùng bạn hay không?
Bên cạnh đó, con đường khởi nghiệp là một chuỗi đầy chông gai, bạn có chắc rằng mình có thể tự đứng dậy sau nhiều biến cố, sau nhiều thất bại.
GS.TS Lê Thẩm Dương đã có câu:”Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Câu nói này có thể áp dụng ở tất cả các lĩnh vực và khởi nghiệp cũng không ngoại lệ. Muốn dự án startup thành công, bạn nên tìm những người có cùng chí hướng rồi hãy nghĩ đến chuyện đi tìm nhà đầu tư.
4. Đã quá hiểu rõ mình phải làm gì?
Mục đích bạn tiếp cận nhà đầu tư để làm gì vậy? Cần họ cho lời khuyên, học hỏi họ hay để kêu gọi họ đầu tư?
Điều mà các nhà đầu tư không thích ở các ở các startup khi tiếp cận họ đó là bạn quá hiểu rõ về vấn đề bạn phải làm là gì? Vậy nếu đã hiểu rõ mình phải làm gì thì bạn nên trực tiếp đi gọi vốn, không nên tiếp cận nhà đầu tư.
Các startup nên xác định được mục đích rõ ràng khi tiếp cận nhà đầu tư. Bởi lẽ, tiếp cận nhà đầu tư là để học hỏi, định hướng và được chia sẻ những bài học kinh nghiệm bổ trợ cho dự án của mình hoàn chỉnh để đi đến gọi vốn, họ sẽ cho bạn nhận định đúng về mức độ khả thi của ý tưởng đó. Đặc biệt, họ cũng có thể sẽ trở thành nhà đầu tư cho bạn nếu ý tưởng đó đủ hấp dẫn họ.
Vậy việc tiếp cận nhà đầu tư có khó không? Câu trả lời là không nếu như bạn đủ thông minh để biết nắm bắt các cơ hội!